[DangTai]...

1900 599 858
lang-vi
lang-en
lang-en

Câu hỏi thường gặp

Có rất nhiều câu hỏi xoay quanh kỹ thuật IVF - Thụ tinh trong ống nghiệm cần được giải đáp. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan đến IVF - những thông tin cần thiết mà bệnh nhân cần biết trước - trong - sau khi thăm khám, tư vấn, điều trị được Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản (IVF Bảo Sơn) giải đáp cơ bản.

Với các trường hợp cụ thể, người bệnh cần liên hệ bác sĩ chuyên khoa Hỗ trợ Sinh sản để được khám, đánh giá và điều trị hiệu quả, tránh bỏ lỡ "giai đoạn vàng", giúp các gia đình sớm đón được con yêu!

Về IVF Bảo Sơn

Địa chỉ Trung tâm IVF Bảo Sơn

Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản (IVF Bảo Sơn) đặt tại: Tầng 4, Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn, Số 52 Nguyễn Chí Thanh, P. Láng Thượng, Q. Đống Đa, Hà Nội.

Giờ khám bệnh

Từ 7:30 - 16:30 (Thứ 2 - Thứ 7). Nghỉ: Chủ nhật
Trong trường hợp khách hàng cần đặt lịch hẹn riêng với bác sĩ/chuyên gia mong muốn, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 599 858 để được hỗ trợ!

Về quy trình thăm khám

Lưu ý trước khi đến khám

Để có buổi thăm khám thuận lợi, IVF Bảo Sơn đưa ra 5 hướng dẫn giúp các cặp vợ chồng chuẩn bị trước, bao gồm:

  • Đầu tiên, việc có con là câu chuyện của cả vợ và chồng, vì vậy khi đi thăm khám tốt nhất cả hai vợ chồng cùng đi. Người vợ có thể đi bất kỳ ngày nào trong tháng, người chồng trước khi đi khám nên kiêng xuất tinh trước đó 3-5 ngày.
  • Thứ 2, chuẩn bị giấy tờ hồ sơ, hai giấy tờ tối thiểu để thăm khám sức khỏe sinh sản khi vợ chồng dự định thực hiện hỗ trợ sinh sản là chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hô chiếu và giấy đăng ký kết hôn. Giấy tờ này nên được chuẩn bị sẵn để chuẩn bị trường hợp cần điều trị can thiệp khi hai vợ chồng được xác định khó có con tự nhiên.
  • Thứ 3, chuẩn bị hồ sơ thăm khám cũ nếu có, đây là những thông tin quan trọng để bác sĩ đánh giá tổng quan về tình trạng của hai vợ chồng, tiền sử bệnh lý, đơn thuốc đã sử dụng, các tác dụng phụ từng xảy ra với cơ thể. Một số kết quả thăm khám xét nghiệm cũ nếu còn trong thời gian sử dụng bác sĩ sẽ không yêu cầu người bệnh thực hiện nữa và tiết kiệm được chi phí cũng như thời gian.
  • Thứ 4, chuẩn bị sức khỏe và tâm lý đây là hai yếu tố quan trọng. Hãy xem đây là đợt kiểm tra sức khỏe bình thường. Hãy trao đổi với bác sĩ về những vấn đề vợ chồng thắc mắc và hướng đi cho tình trạng của cả hai.
  • Thứ 5, hai vợ chồng nên thăm khám vào buổi sáng, lựa chọn những trang phục thoải mái vì quá trình khám có thể phải làm xét nghiệm, siêu âm, việc mang đồ rộng rãi giúp hai vợ chồng thoải mái trong di chuyển và thuận tiện hơn cho thăm khám.

Thời điểm thăm khám

1. Đối với Nữ giới: có 2 mốc thăm khám

  • Ngày thứ 2 – 4 chu kì kinh: Thăm khám cơ quan sinh sản (buồng trứng, tử cung, vùng chậu…) qua siêu âm đầu dò âm đạo. Làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm nội tiết…
  • Ngày bất kì trong chu kì kinh nguyệt: Thăm khám cơ quan sinh sản.

2. Đối với Nam giới: Kiêng xuất tinh đủ từ 3-5 ngày trước khi đến khám.

Về thuật ngữ thường dùng điều trị vô sinh, hiếm muộn

Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là thuật ngữ chỉ về một loạt các kỹ thuật được sử dụng để giúp bệnh nhân có thai mà không qua quan hệ tình dục, bao gồm thụ tinh ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), vi phẫu trích tinh trùng từ mào tinh (MESA) và vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn (TESE).

Độ di động của tinh trùng

Độ di động của tinh trùng là tỷ lệ phần trăm của các tinh trùng di động trong mẫu tinh dịch.

Hỗ trợ phôi thoát màng

Hỗ trợ phôi thoát màng là kỹ thuật khoan một lỗ nhỏ trên màng bảo vệ của phôi bằng thiết bị laser hoặc rửa phôi bằng dung dịch có tính axit loãng để hỗ trợ phôi thoát màng và làm tổ vào buồng tử cung.

Chọc hút noãn

Chọc hút noãn là kỹ thuật sử dụng để thu nhận noãn từ nang buồng trứng trong thụ tinh trong ống nghiệm. Chọc hút được thực hiện qua ngả âm đạo bằng cách sử dụng ống tiêm chuyên dụng dưới hướng dẫn của siêu âm để xác định vị trí các nang trong buồng trứng.

Chuyển phôi là gì?

Chuyển phôi là một thủ thuật quan trọng trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), trong đó phôi thai được tạo thành sau khi nuôi cấy được chuyển vào tử cung của người mẹ. Phôi này có thể được nuôi phát triển đến ngày thứ 3 hoặc thứ 5. Phôi được dùng để chuyển có thể là phôi tươi được sử dụng ngay sau khi được tạo ra hoặc phôi trữ lạnh từ các chu kỳ trước đó.

Quá trình chuyển phôi IVF thường được lên kế hoạch diễn ra vào khoảng ngày 18 - 20 của chu kỳ kinh nguyệt, khi niêm mạc tử cung của người mẹ đã đạt độ dày tiêu chuẩn (9 - 10 mm) và sức khỏe của người mẹ ổn định, sẵn sàng cho quá trình mang thai.

Thủ thuật chuyển phôi xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1984. Ngày nay, với sự tiến bộ của y học toàn cầu và sự hỗ trợ từ các thiết bị hiện đại, quá trình chuyển phôi không chỉ hiệu quả mà còn giảm đau đớn đối với tử cung của người mẹ. Điều này mang lại hy vọng và hạnh phúc to lớn cho những cặp vợ chồng mong đợi có con.

Phôi thai là gì?

Phôi thai là mầm sống mới phát triển ở giai đoạn gần như sơ khai nhất của quá trình mang thai. Trước khi là phôi thai, mầm sống nhỏ này là một hợp tử được tạo ra bằng sự kết hợp giữa noãn (trứng) và tinh trùng. Hợp tử sau đó sẽ tiếp tục phân chia tế bào liên tục để tạo thành phôi. Ở người, khoảng 24 – 26 giờ sau khi thụ tinh, hợp tử sẽ bắt đầu lần phân bào đầu tiên để tạo ra phôi có hai phôi bào. 

Trong 200 – 300 triệu tinh trùng được phóng vào âm đạo khi giao hợp chỉ có 300 – 500 tinh trùng tới nơi thụ tinh và chỉ có một tinh trùng lọt được vào bào tương noãn. Sự xâm nhập của tinh trùng vào noãn đã kích hoạt noãn và kéo theo đó là hàng loạt hiện tượng sinh học nối tiếp nhau xảy ra bên trong noãn.

Nhờ sự thụ tinh, cá thể mới được tạo ra mang đặc tính di truyền của cả bố và mẹ. Giới tinh di truyền sẽ được quyết định ngay từ khi thụ tinh. Nếu noãn kết hợp với tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y sẽ sinh con trai, nếu noãn kết hợp với tinh trùng mang nhiễm sắc thể X sẽ sinh con gái.

Sự phát triển của cá thể người sẽ trải qua nhiều giai đoạn gồm: thụ tinh, phôi phân chia, phôi dâu, phôi nang, phôi vị, phôi thần kinh và tạo cơ quan. Trong quá trình phát triển, phôi sẽ di chuyển dần từ ống dẫn trứng vào buồng tử cung của người phụ nữ.

Theo quy trình phát triển bình thường, hợp tử sẽ được hình thành sau khi có hiện tượng thụ tinh, bắt đầu phân chia, di chuyển và phát triển thành phôi nang vùi vào nội mạc tử cung vào cuối ngày thứ 6 sau khi thụ tinh, trước khi hình thành cơ thể thai nhi.

Thai lâm sàng

Thai lâm sàng được định nghĩa là thai thực sự được chứng thực bằng kết quả siêu âm bằng đầu dò âm đạo có sự xuất hiện của túi ối, phôi, tim thai sau chuyển phôi 3-4 tuần.

Thai sinh hoá

Thai sinh hóa là thuật ngữ được dùng khi nữ giới áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Cụm từ này để chỉ việc có thai và bị sảy thai sớm trước khi siêu âm thấy hình ảnh túi thai ở trong buồng tử cung người mẹ.

Vô sinh không rõ nguyên nhân

Vô sinh không rõ nguyên nhân là các trường hợp vô sinh mà thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm ở cả vợ và chồng mà vẫn không phát hiện được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Ước tính cứ một trong bốn cặp vợ chồng sẽ gặp vấn đề về sinh sản mà không tìm được nguyên nhân. Vô sinh có thể từ vợ hoặc từ chồng hoặc từ cả hai hoặc sự kết hợp của các yếu tố ngăn ngừa mang thai.

Vô sinh thứ phát

Vô sinh thứ phát được hiểu là tình trạng một cặp vợ chồng đã thụ thai hoặc đã phá thai, hoặc đã có con nhưng đang gặp khó khăn trong việc có thêm một em bé nữa, còn gọi là hiếm muộn thứ phát.

Vô sinh nguyên phát

Vô sinh nguyên phát là tình trạng cặp vợ chồng chung sống với nhau trong 1 năm chưa có thai lần nào, quan hệ tình dục đều đặn 2 – 3 lần trong 1 tuần và không hề sử dụng biện pháp tránh thai.

Vô sinh nguyên phát phổ biến hơn vô sinh thứ phát với tỷ lệ 70 % các trường hợp vô sinh.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý khi các tế bào bình thường phát triển trong khoang tử cung lại phát triển bên ngoài tử cung, ví dụ trong ống dẫn trứng, buồng trứng, hoặc thậm chí bàng quang và ruột. 
Phần lớn, lạc nội mạc tử cung chưa rõ nguyên nhân và sẹo từ lạc nội mạc tử cung có thể gây hiếm muộn.

Suy buồng trứng

Suy buồng trứng là tình trạng chức năng của buồng trứng ngừng hoạt động và ngừng sản xuất trứng. Khi buồng trứng ngừng hoạt động, người phụ nữ sẽ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe sinh sản. Suy buồng trứng khiến việc sản xuất các hormone như estrogen và progesterone bị ngừng lại. Đây là những hormone có vai trò quan trọng đối với nữ giới, góp phần phát triển các đặc điểm sinh dục nữ, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và sự thụ thai.

  • Suy buồng trứng là một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm đời sống tình dục và cản trở khả năng sinh sản ở nữ giới. 
  • Thông thường phụ nữ bước vào độ tuổi sau 40 mới có những dấu hiệu về suy buồng trứng. 
  • Tuy nhiên những thống kê gần đây cho thấy có không ít trường hợp phụ nữ ở độ tuổi 30 thậm chí là 20 đã có dấu hiệu suy buồng trứng. Những trường hợp như vậy thường được gọi là suy buồng trứng sớm.

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào được đánh giá có thể hồi phục hoạt động bình thường của buồng trứng, việc điều trị chỉ có thể điều trị triệu chứng của bệnh. Nếu chị em có những dấu hiệu cảnh báo suy buồng trứng cần đến những cơ sở y tế có chuyên khoa Sản hoặc chuyên khoa Hỗ trợ sinh sản để được bác sĩ thăm khám và đưa ra những phương án điều trị hiệu quả, phù hợp với tình trạng của bản thân.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Buồng trứng đa nang (tiếng Anh là Polycystic Ovary Syndrome – PCOS) là một bệnh liên quan đến sự mất cân bằng hormone trong cơ thể phụ nữ, một dạng rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hội chứng này không chỉ ảnh hưởng đến khả nang mang thai mà còn gây ra nhiều bệnh tật nghiêm trọng khác ở phụ nữ.

Thống kê cho thấy, có khoảng 2,2 – 26,7% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15 – 44 tuổi) mắc hội chứng đa nang buồng trứng. Và nhiều người trong số họ không biết mình mắc bệnh nên không điều trị sớm dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hội chứng quá kích buồng trứng

Quá kích buồng trứng (Ovarian hyperstimulation syndrome – OHSS) là bệnh lý thường xảy ra ở phụ nữ sau khi tiêm thuốc hormone để kích thích sự phát triển của trứng trong buồng trứng. Đây là biến chứng có thể xảy ra ở những bệnh nhân sử dụng thuốc kích thích buồng trứng trong điều trị vô sinh, biểu hiện bằng sự gia tăng kích thước buồng trứng.

Đôi khi, bệnh lý này xảy ra một cách tự nhiên trong cơ thể người phụ nữ, không liên quan đến các phương pháp điều trị vô sinh.

Kích thích buồng trứng

Kích thích buồng trứng hay kích trứng là phương pháp sử dụng các loại thuốc nội tiết uống hoặc tiêm nhằm giúp trứng phát triển đến trưởng thành và chín, rụng. Sau khi nang trứng trưởng thành, đủ kích thước, bệnh nhân sẽ được tiêm hCG để giúp trứng rụng.

Phương pháp này được sử dụng trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho các trường hợp vô sinh do rối loạn phóng noãn, không phóng noãn hoặc ở bệnh nhân đa nang buồng trứng, được áp dụng cho những cặp vợ chồng lấy nhau 1- 2 năm chưa có thai.

Về sinh sản Nữ

Nang thứ cấp

Số lượng nang noãn thứ cấp đầu chu kỳ (AFC - Antral Follicle Count) là tổng số nang noãn ở hai buồng trứng được đếm qua siêu âm ở đầu pha nang noãn (ngày 2 - 4 chu kỳ kinh).

Nang thứ cấp là những nang có kích thước 2 – 10 mm đo ở mặt phẳng hai chiều. AFC là chỉ số dễ quan sát thấy, nhưng phụ thuộc vào người siêu âm. Bên cạnh đó, số nang thứ cấp thường biểu hiện không chính xác ở những phụ nữ thừa cân và phụ thuộc vào một thời điểm nhất định của chu kỳ.

AFC là chỉ số được dùng để đánh giá và tiên lượng số lượng nang noãn tối đa mà bệnh nhân có thể đạt được sau khi thực hiện kích thích nang noãn để thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như IVF. Ví dụ: nếu AFC đo được là 10, số lượng tối đa sau khi kích thích buồng trứng sẽ chỉ là 10. Và nếu thấp hơn 10 thì có thể do đáp ứng buồng trứng kém và các yếu tố khác…

Nội mạc tử cung

Nội mạc tử cung là lớp tế bào lót hay còn được hiểu là lớp niêm mạc mềm, xốp bao phủ toàn bộ bề mặt phía bên trong tử cung, có độ dày - mỏng tùy theo thời kỳ kinh nguyệt, độ tuổi và tình trạng.

Nội mạc tử cung phát triển nhờ vào hormone estrogen có trong cơ thể nữ giới, là nơi giúp trứng đã thụ thai có thể bám vào và phát triển. 

Dịch nhầy cổ tử cung

Dịch nhày cổ tử cung hay dịch tiết âm đạo là hiện tượng bình thường ở cơ thể nữ giới giúp môi trường âm đạo luôn sạch sẽ và khỏe mạnh. 

  • Dịch nhày có trạng thái chất lỏng trong suốt, có màu trắng hoặc trắng đục tiết ra từ âm đạo. Chất lỏng này được tạo ra bởi các tuyến nằm bên trong âm đạo, cổ tử cung và nội mạc tử cung.
  • Lượng dịch tiết âm đạo khác nhau ở mỗi người.
  • Tính chất, màu sắc và mùi của dịch âm đạo có thể thay đổi vào những thời điểm trong kỳ kinh nguyệt. Thông thường, âm đạo ra dịch nhiều hơn trong khoảng thời gian rụng trứng, sắp hành kinh hoặc khi quan hệ tình dục. 

Cổ tử cung

Cổ tử cung là cơ quan nối âm đạo và tử cung, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, sinh lý và quá trình sinh nở ở người phụ nữ. Bộ phận này được ví như cửa ngõ cho phép tinh trùng di chuyển vào trong tử cung. 

  • Khi mang thai, cổ tử cung sẽ mở rộng và mỏng đi, báo hiệu bắt đầu một thai kỳ. 
  • Đến giai đoạn sinh nở, cổ tử cung cho phép thai nhi rời khỏi tử cung, đi qua âm đạo (ống sinh) và chào đời. 
  • Sau sinh nở, cổ tử cung nhanh chóng phục hồi trở lại trạng thái ban đầu.

Tử cung

Tử cung hay dạ con là một bộ phận thuộc cơ quan sinh sản của phụ nữ giống hình quả lê lộn ngược nằm giữa bàng quang và trực tràng, phần trên lồi to gọi là đáy tử cung, 2 bên là 2 ống dẫn trứng nối ra 2 buồng trứng, phần dưới nhỏ dài dẫn ra âm đạo gọi là cổ tử cung.

Tử cung có vai trò rất quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và thời gian mang thai bơi đây không chỉ là nơi trứng thụ tinh và làm tổ, nuôi dưỡng thai nhi trong suốt 40 tuần thai kỳ mà còn có nhiều vai trò quan trọng với sức khỏe phụ nữ. 

Buồng trứng

Buồng trứng là các tuyến nhỏ có hình bầu dục nằm ở hai bên tử cung của phụ nữ, là nơi sản xuất và lưu trữ trứng (còn gọi là noãn). Đây cũng là cơ quan cũng tạo ra các hormone là Estrogen và Progesterone giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và quá trình mang thai. Ngoài ra, hai loại hormone này cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển các đặc điểm giới tính ở nữ giới khi dậy thì như thay đổi sắc vóc, phát triển nang lông trên cơ thể… 

Cơ thể phụ nữ có hai buồng trứng gồm một bên phải và một bên trái. Thông thường chúng có màu hồng nhạt và bề mặt nhẵn nhụi khi chưa dậy thì. Bước sang tuổi dậy thì, bề mặt buồng trứng sẽ sần sùi bởi việc rụng trứng hàng tháng khiến vỏ buồng trứng bị rách và để lại sẹo. Khi đến tuổi mãn kinh, không còn hiện tượng rụng trứng nên bề mặt sẽ nhẵn nhụi trở lại.

Ống dẫn trứng

Ống dẫn trứng hay còn có tên gọi khác là vòi trứng, vòi tử cung - một trong những cơ quan quan trọng trong hệ thống cơ quan sinh sản nữ giới, nằm trong khoang bụng của người phụ nữ. Ống dẫn trứng có cấu tạo hình ống, rỗng ruột bên trong và là “cầu nối” giữa buồng trứng và buồng tử cung. Một người phụ nữ sẽ có hai ống dẫn trứng.

Ống dẫn trứng chính là nơi trứng gặp tinh trùng và diễn ra quá trình thụ tinh. Đây cũng là đường di chuyển của trứng đã thụ tinh đến buồng tử cung để làm tổ và phát triển. Vì thế, bất kỳ tổn thương nào xảy ra ở ống dẫn trứng sẽ gây cản trở đến sự di chuyển và thụ tinh của trứng và tinh trùng, từ đó làm giảm cơ hội mang thai ở người phụ nữ. 

Chu kỳ kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường mà nữ giới phải trải qua, bắt đầu từ giai đoạn dậy thì. Trong đó, kinh nguyệt là sự bong tróc ra hàng tháng của lớp niêm mạc tử cung (còn gọi là dạ con) ở người phụ nữ. Kinh nguyệt còn được nhắc đến với các thuật ngữ như chu kỳ kinh nguyệt hoặc kỳ kinh nguyệt. Máu kinh gồm một phần là máu, một phần là mô niêm mạc tử cung không được thụ tinh (hay còn gọi là nội mạc tử cung) từ bên trong tử cung chảy qua cổ tử cung và được đẩy ra khỏi cơ thể qua âm đạo.

Chu kỳ kinh được hoạt động điều hoà bởi sự thay đổi phức tạp của nồng độ hormone trong cơ thể người phụ nữ và có mối liên quan mật thiết với chu kỳ của buồng trứng: Tuỳ thời điểm nhất định, các hormon được tiết ra phù hợp làm phát triển các nang trứng và làm dày nội mạc tử cung, đỉnh điểm của chu kỳ này là sự giải phóng của nang trứng (được gọi là giai đoạn rụng trứng).

Sự rụng trứng

Rụng trứng là quá trình trứng trưởng thành được phóng ra khỏi buồng trứng vào khoảng ngày thứ 14 của một chu kỳ kinh nguyệt 28 - 32 ngày. Trứng sau khi rụng sẽ di chuyển vào ống dẫn trứng để chờ được thụ tinh.

  • Nếu trứng được kết hợp với tinh trùng trong quá trình thụ tinh sẽ tạo thành hợp tử và di chuyển vào buồng tử cung để phát triển và người phụ nữ bắt đầu một thai kỳ. 
  • Nếu trứng không được thụ tinh, trứng sẽ bị phân hủy, và niêm mạc tử cung bong xuất ra ngoài theo máu kinh.

Tế bào trứng (noãn)

Tế bào trứng hay noãn là giao tử cái do tế bào sinh dục giới cái tạo tạo ra. Cả động vật và thực vật có phôi đều có noãn.
Nang trứng (noãn) mang vật chất di truyền, nó là một tế bào có kích thước lớn nhất trong cơ thể được cấu tạo bởi ba phần đó là phần nhân, nguyên sinh chất và màng ngoài. Noãn chín sẽ có hình cầu, kích thước nhỏ hơn hạt kê, màu vàng nhạt. Quan sát sự hình thành của nang noãn có ý nghĩa rất lớn đối với các cặp đôi hiếm muộn, bởi nó góp phần nâng lên cơ hội thụ thai cho các cặp đôi này.

Về sinh sản Nam

Xuất tinh ngược

Xuất tinh ngược là hiện tượng nam giới mặc dù vẫn giao hợp bình thường và đạt cảm giác cực khoái đồng thời có động tác và cảm giác xuất tinh nhưng tinh dịch xuất ra ngoài sẽ rất ít hoặc không có.
Khi đó, xảy ra tình trạng tinh dịch đi ngược vào bàng quang sau đó đi ra bên ngoài theo đường nước tiểu thay vì được phóng thích ra ngoài thông qua niệu đạo khi xuất tinh, người bệnh đi tiểu thấy nước tiểu có lẫn những lợn cợn màu trắng đục.
Xuất tinh ngược không gây ảnh hưởng nhiều tới đời sống tình dục vì nam giới vẫn đạt được cảm giác cực khoái. Tuy nhiên, đây lại là một nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn ở nam giới.

Tinh trùng bất động

Tinh trùng bất động phản ánh tình trạng không tìm thấy tinh trùng có bất kỳ di chuyển nào. Khi tinh trùng bất động hoàn toàn thì không thể có thai tự nhiên hoặc bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), và ngay cả làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF/ICSI) thì tỷ lệ tinh trùng thụ tinh được với trứng để hình thành phôi cũng thấp (khoảng 40-50%, so với nhóm tinh trùng bình thường là 70-80%).

Tinh trùng dị dạng

Tinh trùng dị dạng là tình trạng tinh trùng có hình dạng và kích thước bất thường, chẳng hạn như đầu to, đuôi không thẳng… Những yếu tố này có thể khiến quá trình thụ thai gặp nhiều khó khăn. Tinh trùng dị dạng được chẩn đoán khi có ít hơn 4% tinh trùng có hình thái bình thường trong mẫu tinh dịch người bệnh.

Không có tinh trùng trong tinh dịch

Không có tinh trùng còn được gọi là vô tinh ở nam giới, là tình trạng người đàn ông đến tuổi trưởng thành nhưng hoàn toàn không có tinh trùng trong tinh dịch. Vì không có tinh trùng để thụ thai nên người đàn ông đó sẽ không có khả năng sinh sản.
Việc không có tinh trùng và tế bào mầm chưa trưởng thành trong tinh dịch gợi ý tình trạng tắc đường dẫn tinh hoàn toàn. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm: Thử các nội tiết tố sinh dục, đặc biệt testosterone, xét nghiệm nhiễm sắc thể...

 

Tinh dịch đồ

Tinh dịch đồ là một xét nghiệm dựa trên tình trạng, tính chất của mẫu tinh dịch nhằm đánh giá chất lượng của tinh trùng. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: số lượng, khả năng di động, hình dạng, mât độ của tinh trùng... Việc đánh giá này được thực hiện theo quy định và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Mào tinh hoàn

Mào tinh hoàn là một cơ quan nhỏ dạng ống, hình chữ C, có cấu trúc hình ống thon dài, cuộn tròn nằm ở phần trên tinh hoàn. 

  • Mào tinh hoàn do 10-12 ống xuất tập hợp tạo thành, tổng chiều dài các ống này có thể lên tới 5-6m. Các ống xuất này nối với ống dẫn tinh.
  • Mào tinh hoàn được chia làm 3 phần đầu, thân và đuôi tinh hoàn. 
  • Đuôi tinh hoàn là phần liên kết với ống dẫn tinh, nơi chuyển tinh trùng trưởng thành đến ông phóng tinh.

Ống dẫn tinh

Ống dẫn tinh là một cấu phần quan trọng trong hệ sinh dục, sinh sản của nam giới. Ống dẫn tinh bắt đầu từ đuôi mào tinh đến mặt sau bàng quang, đến cuối thì kết hợp với ống tiết của túi tinh để tạo thành ống phóng tinh.

message zalo
Thông báo
[Dong]

Đặt lịch tư vấn

Đặt lịch khám tại Trung tâm IVF Bảo Sơn giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.